Saturday, 27/07/2024 | 14:36
Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử xã Xuân Hải
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên truyền Một số quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ  và pháo

 

Một số quy định pháp luật về quản lý, sử dụng

vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ  và pháo

BÀI TUYÊN TRUYỀN

Một số quy định pháp luật về quản lý, sử dụng

vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ  và pháo

 

           I.  Khái niệm, phân loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo

           Theo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghi định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2023 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 56/2023/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn thi hành: 

           * Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ của con người, phá huỷ kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự. (ví dụ: Súng K54, K59, AK, CKC, súng hơi, súng thể thao, súng tự chế, đao, kiếm…)

           * Vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hoá học nhanh, mạnh, toả nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ. Vật liệu nổ bao gồm thuốc nổ và phụ kiện nổ. Phụ kiện nổ bao gồm kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ, thiết bị chuyên dùng có chứa thuôc nổ.

 * Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp. (ví dụ: súng bắn đạn cao su, đạn nhựa, súng bắn điện, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, dùi cui cao su, khóa số 8…)

 * Pháo hoa là pháo khi đốt chỉ có hiệu ứng màu sắc và không phát ra tiếng nổ; cá nhân được sử dụng trong các dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; chỉ doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng mới được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

           * Pháo nổ, pháo hoa nổ là pháo khi đốt phát ra tiếng nổ. Mọi cá nhân chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ, pháo hoa nổ đều là hành vi vi phạm pháp luật.

II. Một số hành vi bị cấm

- Cấm cá nhân nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ; Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.

- Cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo sau khi đã được đăng ký tại cơ quan Công an).

- Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ.

- Cấm che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

- Cấm đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

          III. Chế tài xử lý vi phạm

           Chế tài xử lý các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo đã được quy định đầy đủ, rõ ràng và nghiêm khắc trong các văn bản pháp luật. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về pháo thì tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

*Truy cứu trách nhiệm hình sự

- Đốt pháo nổ, pháo hoa nổ xâm phạm trật tự công cộng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318, Bộ luật hình sự, bị phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.

            - Sản xuất, buôn bán pháo nổ, pháo hoa nổ từ 06 kg trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” theo Điều 190 Bộ Luật hình sự, bị phạt tiền từ 100 triệu đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm.

           - Tàng trữ, vận chuyển pháo nổ, pháo hoa nổ có khối lượng từ 06 kg trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” theo Điều 191 Bộ Luật hình sự, phạt tiền từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến đến 10 năm.

           - Các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội quy định tại điều 304, 305, 306 Bộ Luật hình sự.

*Xử phạt vi phạm hành chính

- Pháo nổ, pháo hoa nổ là hàng cấm; hành vi “sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận, sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ” chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 01 triệu đến 200 triệu đồng, quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Hành vi “sử dụng trái phép các loại pháo, thuốc pháo” bị phạt tiền từ 05 triệu đến 10 triệu đồng; “Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo hoa, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo” bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; cứu nạn cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình.    

           - Các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ; đào bới, tìm kiếm thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chưa đến mứu truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 40 triệu đồng, quy định tại Điều 11, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

           Mỗi cơ quan, tổ chức, người dân nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật, tự giác giao nộp và tích cực đấu tranh lên án, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo là việc làm thiết thực, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội./.


Liên kết Liên kết

Thống kê trong ngày Thống kê trong ngày

Đang online : 1
Tất cả : 4.142

Sự kiện Sự kiện